TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN THẠCH THẤT
Công đoàn huyện Thạch Thất từng bước phát triển cùng Công đoàn Việt Nam
04/08/2023 12:46
|
Lượt xem: 13
Chế độ ban đêmOFF
In
Đọc bài viết

Công đoàn Việt Nam, sơ khai là Công hội Ba Son và tiền thân là tổ chức Công hội đỏ Bắc Kỳ được thành lập ngày 28 tháng 7 năm 1929 tại số nhà 15, phố Hàng Nón, Hà Nội.

Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ ra đời có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân và sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam. Bộ Chính trị đã quyết định lấy ngày 28/7/1929, ngày họp đại hội thành lập Tổng Công Hội đỏ đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, làm ngày thành lập Công Đoàn Việt Nam. Đại hội đại biểu Công Đoàn toàn quốc lần V (tháng 11/1983) họp tại Thủ đô Hà Nội đã nhất trí thông qua nghị quyết lấy ngày 28/07/1929 làm ngày thành lập Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công Đoàn Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với nhiệm vụ từng giai đoạn như: Công Hội đỏ (1929 – 1935); Nghiệp đoàn Ái Hữu (1936 – 1939); Công nhân Phản Đế (1939 – 1941); Công nhân cứu quốc (1941 – 1945); Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (1946 – 1961); Tổng Công Đoàn Việt Nam (1961 – 1988); Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (1961 đến nay).

Trong chặng đường lịch sử của đất nước, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh; Tổ chức công đoàn được củng cố, phát triển, số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở tăng nhanh, đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng; phối hợp ngày càng hiệu quả với các cấp chính quyền, các tổ chức và người sử dụng lao động, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong đơn vị; Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tiếp tục được đổi mới, đa dạng hoá, hướng về cơ sở…

Cùng với lịch sử phát triển của Công đoàn Việt Nam, LĐLĐ huyện Thạch Thất được thành lập năm 1979, là tổ chức chính trị xã hội, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của LĐLĐ thành phố Hà Nội và sự lãnh đạo toàn diện của Huyện uỷ Thạch Thất. Từ khi thành lập đến nay, Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thất đã qua 11 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là một mốc son, sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu bước trưởng thành và phát triển của đội ngũ công nhân, tổ chức công đoàn huyện, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng Thủ đô, huyện giàu đẹp, văn minh, hiện đại, vững bước tiến vào thời kỳ hội nhập và phát triển.

Hiện nay, tổng số cán bộ chuyên trách LĐLĐ huyện Thạch Thất là 04 đồng chí. Trong đó có 01 Chủ tịch và 01 Phó Chủ tịch và 02 chuyên viên; 100% đều có trình độ chuyên môn là Thạc sỹ; trình độ chính trị: Cao cấp lý luận chính trị 02 đồng chí; Trung cấp lý luận chính trị 02 đồng chí. LĐLĐ huyện Thạch Thất đang quản lý trực tiếp 210 CĐCS với 6.909 đoàn viên công đoàn. Trong đó: Khối cơ quan  hành chính, đơn vị sự nghiệp, xã, thị trấn 113 CĐCS với 4.679 đoàn viên; khối doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực nhà nước 97 CĐCS với 2.230 đoàn viên. Tổng số cán bộ là ủy viên Ban Chấp hành CĐCS hoạt động kiêm nhiệm là 25.074 người.

Trong những năm qua dưới sự chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, Thường trực Huyện ủy Thạch Thất, LĐLĐ huyện Thạch Thất đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn phát động các hoạt động phong trào thi đua lao động sản xuất; tham gia xây dựng và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động; thường xuyên nắm tình hình đời sống, việc làm, diễn biến tâm tư tình cảm của đoàn viên, người lao động để kịp thời động viên, hỗ trợ. Cùng với các hoạt động đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động. LĐLĐ huyện chỉ đạo các công đoàn cơ sở trực thuộc có nhiều hoạt động sôi nổi chăm lo cho đoàn viên và người lao động, thông qua các hoạt động như: Tết sum vầy, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Tháng Công nhân, ngày Gia đình Việt Nam 28/6…; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên công đoàn, người lao động: hỗ trợ kinh phí cho CBCNV đi nghỉ mát, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CNVCLĐ; tổ chức các giải thể thao và các buổi hội diễn văn nghệ… qua đó giúp người lao động ngày càng gắn bó hơn với tổ chức Công đoàn và ra sức thi đua để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu đã đề ra.

Trong thời gian tới, LĐLĐ huyện Thạch Thất tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo hướng vì lợi ích đoàn viên công đoàn và người lao động; hướng mạnh về cơ sở, thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh. Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.

 

Thông tin được đăng tải lại từ Cổng TTĐT huyện Thạch Thất

Tin liên quan